Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, người tiêu dùng nước này đối mặt với cảnh thu nhập tụt dốc và buộc phải cắt giảm nhiều khoản chi tiêu như xe hơi, đồ gia dụng, học phí.
Ngày 17/1, Tân Hoa xã đưa tin chính quyền Trung Quốc thông báo GDP nước này tăng 6,1% cả năm 2019, thua xa mức 6,6% của năm 2018. Đây cũng là tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất của nền kinh tế Trung Quốc kể từ năm 1990.
Con số 6,1% vẫn nằm trong phạm vi mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% mà Bắc Kinh đặt ra cho năm 2019. Tuy nhiên, thời gian qua rất nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng chính quyền Trung Quốc đã "tô hồng" số liệu tăng trưởng, và GDP thực tế chỉ dao động trên ngưỡng 5%.
Theo South China Morning Post, thời gian qua hàng chục triệu người tiêu dùng Trung Quốc đã phải đối mặt với tình trạng thu nhập và tổng tài sản sụt giảm đáng kể.
"Chắn chắn thu nhập của gia đình tôi tiếp tục giảm trong năm nay", bà Alice Zhou, một doanh nhân ở Bắc Kinh, thừa nhận. "Với tôi và nhiều người bạn, giá nhà sụt trong khi công việc kinh doanh cũng gặp rất nhiều khó khăn suốt 2 năm qua".
Người dân Trung Quốc oằn mình với gánh nặng lạm phát, tài sản mất giá và thu nhập giảm. Ảnh: SCMP.
|
Thời kỳ vàng son đã trôi qua
Bà Zhou cho biết “thời kỳ vàng” của bà và bạn bè là giai đoạn năm 2015-2016. Từ năm 2018, bà phải đóng cửa 50% cơ sở kinh doanh, bao gồm quán cà phê và khu vui chơi trẻ em trong nhà, ở Bắc Kinh và Thiên Tân.
"Khách hàng của tôi là các bậc phụ huynh ở độ tuổi 30-40. Đa phần có 2 con và phải chi ít nhất 20.000 NDT (2.900 USD)/tháng tiền trả nợ vay mua nhà và 10.000 NDT (1.450 USD)/tháng tiền sinh hoạt. Thu nhập giảm khiến họ khó xoay sở", bà Zhou lý giải.
Trong khi đó, ông Xu Yipeng ở Quảng Châu (thủ phủ tỉnh Quảng Đông, một trong những trung tâm sản xuất lớn của Trung Quốc) cho biết từ giữa năm 2018 đến nay vẫn chưa bán được căn hộ 80 m2 của mình. Giá căn hộ đã giảm từ 4,6 triệu NDT (667.000 USD) xuống còn 4,1 triệu NDT (gần 599.000 USD).
“Hoạt động kinh doanh ngày càng khó khăn trong khi chi phí sinh hoạt leo thang. Bạn bè và đồng nghiệp của tôi thực tế đã lo lắng về tình trạng hiện nay từ 2-3 năm trước, nhưng từ giữa năm 2019, tài sản sụt giá với tốc độ chóng mặt”, ông Xu than thở.
Ông Xu cho biết 2 năm trước, các doanh nhân Trung Quốc khi gặp gỡ thường trao đổi về việc mua đất, bán nhà hay mua sắm hàng hóa xa xỉ. Nhưng giờ họ chỉ nói về tình trạng thị trường bất động sản suy yếu, các công ty thường xuyên khát vốn.
Giá bất động sản tại Trung Quốc sụt giảm khiến tài sản của nhiều gia đình lao dốc. Ảnh: Getty.
|
South China Morning Post cho biết thời gian qua, giá nhà bán và cho thuê tại các thành phố hạng nhất ở Trung Quốc như Bắc Kinh, Quảng Châu và Thượng Hải đều sụt giảm đáng kể.
Theo báo cáo của Viện Chiến lược Kinh tế Quốc gia thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, so với mức đỉnh hồi tháng 4/2017, giá bất động sản trung bình ở thủ đô Bắc Kinh vào tháng 11/2019 giảm tới 18,5%.
Nhu cầu thuê văn phòng tại các thành phố lớn cũng suy yếu, tỷ lệ văn phòng trống vọt lên mức cao nhất trong vòng một thập kỷ. Theo CBRE, tỷ lệ văn phòng ế tại 17 thành phố lớn ở Trung Quốc lên tới 21,5% trong quý III/2019, cao hơn mức 16,7% của năm 2018.
Thị trường văn phòng cho thuê từng lâm vào tình trạng khó khăn tương tự trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Cuộc sống trở nên khó khăn hơn
“Khi giá nhà đang ở mức 4,8 triệu NDT, tôi sống lạc quan và chi tiêu thoải mái. Tôi lên kế hoạch cho con cái đi du học, gia đình thường xuyên du lịch nước ngoài và mua sắm…. Nhưng giờ thì mọi thứ đang nghiêm trọng, nhà đang mất giá và còn tiếp tục lao dốc”, ông Xu cho biết.
"Nhưng giờ tình hình đang ngày càng nghiêm trọng. Giá nhà sụt giảm và sẽ còn tiếp tục lao dốc, lại ngày càng khó bán hơn", người đàn ông sở hữu 3 căn hộ lớn than thở.
Theo khảo sát của trang web việc làm Zhaopin.com, 34,6% trong số 8.900 người lao động thành thị được hỏi cho biết họ rơi vào tình cảnh nợ nần chồng chất trong năm 2019. Tỷ lệ này vượt xa con số 21,89% của năm 2018.
Khoảng 28% người được hỏi cho biết lương tăng chưa đầy 5% trong năm 2019, 40% không được tăng lương, thậm chí còn bị giảm thu nhập. Gần 60% lo ngại về tình trạng việc làm trong năm 2020.
South China Morning Post cho biết do lo ngại về nguy cơ bất ổn tài chính, người tiêu dùng Trung Quốc đang có xu hướng cắt giảm những khoản chi tiêu không quá cần thiết. Nhu cầu xe hơi và đồ gia dụng lao dốc mạnh.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét