Mặc dù Chính phủ đã nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, song điều kiện kinh doanh vẫn là rào cản khiến doanh nghiệp khó bứt phá. Năm 2020 hứa hẹn có nhiều cải cách môi trường kinh doanh.
Nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh
Theo phân tích của đại diện nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trên bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), năng lực cạnh tranh của Việt Nam có bước tăng trưởng ấn tượng với 10 bậc và 3,5 điểm trong năm 2019, từ thứ hạng 77 lên 67. Trong đó, có 8/12 chỉ số tăng điểm và tăng hạng, gồm thể chế, ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng, thị trường sản phẩm, thị trường lao động, quy mô thị trường, mức độ năng động trong kinh doanh, năng lực đổi mới sáng tạo.
Năm 2019, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. (Ảnh minh họa) |
Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, thời gian qua, Chính phủ có nhiều nỗ lực quan trọng trong tạo lập môi trường kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp (DN) ra đời, phát triển. Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương có hành động cụ thể để cải thiện điểm số và nâng hạng về môi trường kinh doanh. Theo đó, các thủ tục hành chính thuế có sự cải thiện nhưng thủ tục hoàn thuế vẫn là một khó khăn. Hoạt động thanh tra thuế chưa được cải thiện, có tới 33% DN cho rằng cán bộ suy diễn bất lợi cho DN và 30% DN cho biết tồn tại chi phí không chính thức khi thanh kiểm tra thuế. Việc phá sản DN, bảo hộ nhà đầu tư và thủ tục xuất nhập khẩu chuyển biến chậm.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cộng đồng DN đánh giá cao kết quả điều hành kinh tế của Chính phủ trong năm 2019 với những thành quả tăng trưởng và cải cách rất đáng khích lệ, cùng sự đóng góp tích cực của cộng đồng DN. Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, với tinh thần dũng cảm và những nỗ lực vượt lên, Việt Nam đã ghi dấu ấn trên bầu trời kinh tế thế giới về tăng trưởng, cải cách và hội nhập. Ông Vũ Tiến Lộc kỳ vọng năm 2020 sẽ là một năm có những đột phá mới về cải cách thể chế kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính.
Mặc dù, Chính phủ đã nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, rõ nét nhất là cắt giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện và đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thay đổi phương thức quản lý chuyên ngành… song điều kiện kinh doanh vẫn là trở ngại chính và rào cản khiến DN khó bứt phá. Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong ASEAN, sau rất nhiều so với các nước Singapore, Malaysia. Những rào cản thể hiện ở việc quản lý các văn bản pháp luật giữa các cơ quan quản lý nhà nước và quản lý, kiểm tra chuyên ngành chậm cải cách, thậm chí có những văn bản mới được ban hành đi ngược với chỉ đạo của Chính phủ, hoặc thể hiện cải cách hình thức, thiếu thực chất. Bên cạnh đó, thanh tra, kiểm tra vẫn là nỗi lo đối với DN. Cùng một quy định chính sách nhưng cách thức thực thi khác nhau.
Ông Nobufumi Miura, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam, cho rằng, cần có sự ổn định môi trường pháp lý và các biện pháp khuyến khích đầu tư. Thay đổi nào về chính sách thuế cũng sẽ có ảnh hưởng đến các kế hoạch kinh doanh, đầu tư của DN. Theo đó, các DN cũng ngần ngại trong việc đầu tư mở rộng vì lo ngại thuế suất không ổn định và hoạt động kinh doanh sẽ khó khăn hơn. Gánh nặng thuế, phí cũng sẽ làm giảm sức hấp dẫn và tính cạnh tranh của môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Năm 2020 là năm của “gỡ bỏ” và “kết nối”
Theo các chuyên gia, năm 2020 được kỳ vọng sẽ là một năm có những đột phá mới về cải cách thể chế kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính. Để nền kinh tế Việt Nam tiếp tục là điểm sáng đối với tình hình kinh tế chung của thế giới, một trong những yêu cầu đặt ra là phải hoàn thiện thể chế kinh tế. Và từ khóa quan trọng nhất cho sự tăng trưởng và phát triển năm 2020 là “gỡ bỏ“ và “kết nối”. Gỡ bỏ rào cản để khơi thông các nguồn lực, kết nối để lan tỏa các giá trị. Kết nối FDI với các DN nhỏ và vừa (SMEs) trong nước, siêu kết nối qua cách mạng 4.0, kết nối với thế giới bên ngoài qua các FTAs là những nỗ lực phải đẩy mạnh.
Để làm được điều này, năm 2020, cần tập trung rà soát và giải quyết các điểm chồng chéo, xung đột trong pháp luật về đầu tư, kinh doanh, liên quan đến các luật đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, nhà ở, đấu thầu.... Giải quyết những xung đột này, thông qua việc dùng một luật sửa nhiều luật, một nghị định sửa nhiều nghị định liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh sẽ là điểm đột phá về cải cách thể chế và thủ tục hành chính cho năm 2020.
Theo đại diện của VCCI, để có sự đột phá về cải cách thể chế kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính cần triển khai một cách thực chất chương trình cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành. Cần cắt giảm ít nhất 20% thủ tục cũng như các chi phí thời gian và tiền bạc cho người dân và doanh nghiệp. Năm 2018, các bộ, ngành báo cáo đã hoàn thành kế hoạch cắt giảm và đơn giản hoá tới 50% nhưng theo một số đánh giá độc lập thì tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hoá thực chất chỉ ở mức 30%, nên mục tiêu tiếp tục cắt giảm, đơn giản hoá thêm 20% nữa trong năm 2020 là phù hợp.
Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF), Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết: “Năm 2020 này là năm về đích trong cải thiện môi trường kinh doanh và tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa...”.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định, năm 2019 Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện thể chế, đặc biệt là hoàn thiện Luật Quản lý thuế và Luật Chứng khoán sửa đổi. Hiện, Bộ Tài chính đang chuẩn bị văn bản để hướng dẫn 2 luật này. Kiến nghị của Hiệp hội DN Hàn Quốc về thuế với sản xuất gia công xuất khẩu, Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 134 và hiện nay trong giai đoạn cuối cùng, đã trình lên Chính phủ. Dự kiến, Nghị định sẽ được ban hành trong quý I năm 2020 và có những nội dung sửa đổi, bổ sung với sản xuất gia công xuất khẩu theo hướng tạo thuận lợi hơn, lắng nghe ý kiến của các hiệp hội DN trong và ngoài nước./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét